Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

- DU NGOẠN SINGAPORE, THƯỞNG THỨC CÀ PHÊ KOPITIAM


Du lịch đến Singapore, bạn có vô số nơi để thăm thú như casino (sòng bạc), những câu lạc bộ đêm đông nghịt người hay vườn bách thảo. Đối với người trẻ tuổi thì Burger Kings và những trung tâm thương mại cũng là lựa chọn có thể cân nhắc. Thế nhưng, tôi đã nhận ra rằng, kopitiam mới chính là điểm đến lí tưởng nếu bạn muốn có một cái nhìn chân thực nhất về thành phố này.
Đến Kopitiam để có cái nhìn chân thật nhất về Singapore


Kopitiam là tên dùng để gọi những quán cà phê trường học cũ mọc ở khắp nơi trên đất nước Singapore. Ở đây, họ phục vụ những bữa sáng bình dân, cà phê Singapore. Vào buổi chiều tối thì còn có cả bia lạnh và bữa ăn nhẹ.

Kopitiam phục vụ bữa sáng bình dân, cà phê, bia lạnh và cả bữa ăn nhẹ

Leslie Tay, chủ trang blog ẩm thực nổi tiếng I Eat I Shoot I Post nói: “Nếu người phương Tây có pub thì ở Singapore, chúng tôi có kopitiam. Kopitiam là điểm đến của hầu hết người Singapore. Bạn có thể đến đây và ngồi hàng giờ đồng hồ. Bạn cũng có thể uống một ít bia, trò chuyện với bạn bè hay cùng nhau chơi cờ.” 

Bản thân từ kopitiam đã cho thấy văn hóa đa ngôn ngữ ở Singapore – “kopi” trong tiếng Mã Lai có nghĩa là “cà phê”, trong khi “tiam” là một từ chỉ “cửa hàng” trong tiếng Phúc Kiến. Kopitiam có không gian mở, thường nằm ở tầng một của các khu phức hợp do chính phủ xây dựng, một vài nơi còn có cả các quầy thức ăn. Do văn hóa cà phê ở Singapore ngày càng phát triển mạnh nên loại hình kopitiam cũng được cải tiến ít nhiều. Để đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng, một số kopitiam còn trang bị cả điều hòa.

Loại cà phê được phục vụ ở kopitiam hoàn toàn khác với bất kì loại nào được bán ở các tiệm cà phê phương Tây. Bởi vì chỉ sử dụng hạt cà phê giá rẻ nên người chủ thường tìm đủ mọi cách để tăng mùi vị của nó. Một trong những cách phổ biến nhất là rang hạt cà phê cùng với bơ (hay mỡ lợn) và đường.  

Sau khi được lọc qua một chiếc túi vải thì chúng ta sẽ có thành phẩm cơ bản là một tách kopi (cà phê) đậm đà. Để giảm bớt vị đắng, khách có thể cho thêm đường hoặc sữa đặc, nhiều hay ít tùy vào khẩu vị của mỗi người.

Cà phê được rang với bơ, sau đó lọc qua 1 chiếc túi vải

Tại cửa hiệu Heap Seng Leong (Số 01-5109, Lô 10, Đường North Bridge), vì có rất nhiều loại cà phê khác nhau nên bạn sẽ bị phân vân khi gọi. Thế nhưng ngược lại, thực đơn các món ăn ở đây thì đơn giản hơn nhiều. 

Tôi vừa thưởng thức món trứng, vừa liếc sơ qua hàng dài những người đàn ông lớn tuổi đang xếp hàng. Những người chú trong cửa hiệu thì bị lôi kéo tham gia vào một cuộc trò chuyện sôi nổi bên ngoài.  Nhìn sang quầy nhỏ bên cạnh bàn tính tiền, tôi thấy có một người đàn ông mặc quần pajama và áo thun trắng mỏng đang pha chế cà phê. Hễ có ai đó gọi món bánh mì nướng ăn kèm với mứt kaya (một loại mứt của người Malaysia) thì lập tức, không khí của cả cửa hiệu sẽ được bao phủ bởi một tiếng ồn đặc trưng. Được biết, đó chính là tiếng phát ra từ chiếc lò nướng.

Đến với cửa hàng bánh mứt Chin Mee Chin (Số 204 Đường East Coast), bạn sẽ thấy một hình thức kopitiam khác. Nơi đây còn lưu giữ những dấu ấn của các kopitiam ngày xưa: những chiếc ghế gỗ thanh mảnh, những chiếc bảng được lát đá cẩm thạch trắng. Đặc biệt, loại tách dùng ở đây là những chiếc tách kopitiam truyền thống. Chúng khá nhỏ, dày và được thiết kế đặc biệt để có thể chứa thức uống nóng. Nếu những kopitiam khác sử dụng mứt kaya đóng hộp thì ở Chin Mee Chin, người ta tự làm mứt kaya. Chính vì vậy, nó thơm và quánh dẻo hơn các loại thông thường.

Những chiếc tách truyền thống trong các kopitiam

Thành công mà những kopitiam này đạt được đã hình thành nên 2 chuỗi cửa hiệu lâu đời nhất ở Singapore: Ya Kun và Killiney Kopitiam. Cả hai đều xuất hiện từ đầu thế kỉ 20 và có hàng chục chi nhánh trải dài khắp đất nước. Tôi đã từng đến rất nhiều những cửa hàng của Killiney nhưng chưa bao giờ đặt chân đến cửa hàng đầu tiên (có từ năm 1919). Vì vậy, tôi đã cùng cha quyết định ghé thử một lần.

Thực đơn bữa sáng ở đây phong phú hơn so với hầu hết các kopitiam khác. Ngoài bánh mì nướng với mứt kaya, họ còn phục vụ cả bánh mì nướng kiểu Pháp. Bên cạnh đó, tôi đặc biệt ấn tượng với món cà ri gà và các món mì như laska và mee siam.  

Kết thúc bữa trưa tại Killiney, tôi và cha tiếp tục hành trình đến Quán ăn Tong Ah (số 36 Đường Keong Saik), đây là một kopitiam có không gian mở. Vừa vào quán thì ông chủ Tang Chew Fue đã nhiệt tình giới thiệu: “Gia đình chúng tôi đã kinh doanh qua bốn thế hệ.” Ông ấy còn kể sơ qua về lịch sử hình thành của kopitiam này. Tôi và cha đã gọi một số món cho bữa tối. Tất cả đều rất ngon và chi phí của bữa ăn chỉ vào khoảng 29 đô mà thôi.

Quán Tong Ah

Sau khi lượn một vòng quanh các kopitiam, hiểu biết của tôi về loại hình này đã tăng lên đáng kể. Nhiều năm trước, tôi đã được về nghe một loại cà phê đặc biệt mang tên “kopi bơ” (cà phê bơ). Đáng tiếc là đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp thấy tận mắt. Khi tôi hỏi một đầu bếp về nó thì ông ấy đã trả lời rằng: “Thực chất, đó chỉ là cà phê với một lớp bơ ở phía trên. Ngày xưa, bơ rất đắt đỏ nên chỉ có người giàu mới có tiền để uống loại cà phê bơ này.” 

Cà phê với lớp bơ phía trên

Trong suốt chuyến hành trình của mình, tôi đã nhiều lần gọi cà phê bơ, nhưng chỉ được đáp lại bằng một ánh nhìn chế nhạo. Chỉ khi đến Nhà hàng Hua Bee (sân thượng Moh Guan) thì người chủ ở đây đã yêu cầu tôi trả thêm 20 cent. Tôi đồng ý. Thế là, ông mang ra một miếng bơ dày hình vuông và cho vào tách cà phê của tôi.

Lát bơ tan ra khá nhanh, chỉ trong vòng khoảng 1 phút. Hớp thử một ngụm và tôi cảm thấy có mùi dầu mỡ và vị hơi mặn. Khi tôi hỏi thì ông chủ đáp lại rằng: “Thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt đâu.” Ban đầu tôi cũng cho rằng ông ấy đã đúng. Nhưng sau đó, khi vừa ăn bánh mì mứt kaya, vừa nhâm nhi tách cà phê và lắng nghe những thanh âm của buổi sớm mai trong không gian của một kopitiam thì tôi đã thực sự nhận ra sự khác biệt. Đây chính là nét đặc sắc mà chỉ khi nào đến với kopitiam thì bạn mới có thể cảm thụ được.  

Cách người địa phương gọi cà phê khi đến kopitiam:
Khác với như những địa điểm tham quan ở Singapore, kopitiam không thường phục vụ khách du lịch. Trước khi đến đây, bạn nên xem qua một số thuật ngữ mà người địa phương hay dùng.
KOPI: cà phê pha với đường và sữa đặc
KOPI C: cà phê pha với đường và sữa ít béo (thay cho sữa đặc)
KOPI KOSONG: Cà phê không đường (Kosong có nghĩ là “không” trong tiếng Mã Lai)
KOPI O: Cà phê đen
KOPI O POH: Cà phê đen pha loãng có đường
KOPI PENG: Cà phê đá pha với đường và sữa đặc
YUAN YANG: Sự kết hợp giữa cà phê và trà, pha với đường và sữa đặc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét